Quan hệ thất thập nhị huyền công với các yếu tố khác Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công

Quan hệ với quyền cước và binh khí

Với ý nghĩa các bài sáo lộ (quyền thuật và binh khí) chỉ là những động tác ứng dụng còn công phu lại là cái gốc của bài quyền và binh khí, đòi hỏi người tập võ không chỉ tinh thông các bài sáo lộ mà bắt buộc phải có công phu. Quyền cước và binh khí quan trọng nhưng công phu mới có tính quyết định trong thực chiến. Với nhiều phương pháp khác nhau luyện nhuyễn công, ngạnh công, nội công và ngoại công, thất thập nhị huyền công Thiếu Lâm giúp thân thể khỏe mạnh, đao thương khó gây tổn thương, bách bệnh khó phát, nắng mưa khó xâm phạm, bởi vậy, công phu hỗ trợ luyện tập và ứng dụng quyền cước binh khí được linh hoạt, đồng thời quyền cước và binh khí giúp thi triển công phu thêm xảo diệu. Các võ sư đã đúc kết thành thành câu nói vắn tắt: "Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không. Luyện công bất luyện quyền, chiêu pháp vô nhân truyền" (Luyện quyền mà không luyện công thì tập đến già vẫn bằng không. Luyện công mà không luyện quyền thì không có hệ thống sáo lộ nào mà truyền đời để lại).

Quan hệ với khí huyết

Trong thất thập nhị nghệ chính tông với âm dương nhuyễn ngạnh (tứ đại công phu) đều lấy khí huyết làm chủ với khí là vệ, huyết là doanh.

Quan hệ với tạng phủ

Khi luyện tập 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm phải khiêm tốn tĩnh khí, bài trừ mọi tạp niệm là nhân tố chủ yếu cho ngoại tà không thể xâm nhập, nội tà tránh xa. Tạng phủ là phủ của khí huyết, nếu như không được kiện toàn thì luyện công khó được công hiệu. Vì thế mỗi ngày trước lúc luyện công thì trước tiên phải loại bỏ nội tà bên trong cơ thể và ngoại tà xâm nhập từ bên ngoài vào.

Quan hệ với tuổi tác

Bất cứ người nào cũng đều có thể chọn một vài công phu trong 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm để luyện miễn là có khí và có lực. Tuy nhiên, dù có khí và lực để luyện công nhưng sự đại thành của công phu lại phụ thuộc khá nhiều vào tuổi tác. Trẻ nhỏ hồn nhiên thơ ngây, ngoài ăn uống nghỉ ngơi ra trong đầu không có cố kị và tạp niệm, cơ thể thuần dương, bệnh tật ít, tâm chuyên ý nhất dễ tập võ nghệ hơn là người cao tuổi. Nếu là người đã trưởng thành với lục dục thất tình, các tạng phủ xảy ra nhiều biến đổi, nội ngoại tà tương bức cho nên không dễ luyện công. Bởi vậy, trẻ nhỏ nên cho luyện từ rất sớm (6, 7 tuổi), còn người lớn nếu như có thể tiêu trừ được tạp niệm, bài trừ tà hư, giới dục, đăng tâm tĩnh khí thì có thể luyện thành công.